Những ngày giáp Tết, xưởng sản xuất rộng hơn 10.000 m2 của Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7) tất bật các công đoạn cuối cùng cho đơn hàng khuôn mẫu ôtô xuất đi Mỹ. Nam công nhân Võ Nhựt Hân chăm chú nhìn màn hình điều khiển, vẻ mặt hài lòng khi máy móc vận hành êm.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật cơ khí, chàng trai Tiền Giang đầu quân vào Lập Phúc. Sau 15 năm, anh là một trong những người thợ vững tay nghề ở nhà máy, đảm bảo thu nhập mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Nhờ tiền lương ổn định, tiết kiệm, vợ chồng anh đã mua đất, cất được nhà ở thành phố. "Chắc tôi sẽ làm ở Lập Phúc đến khi hưu", nam công nhân 38 tuổi, nói.
Cùng đứng máy vận hành với anh Hân là ông Nguyễn Văn Trí, tổng giám đốc cũng là công nhân lâu năm nhất của nhà máy. "Một ngày làm việc, tôi chỉ có một giờ làm quản lý, còn lại ở xưởng, làm thợ với anh em", người đàn ông tuổi đã ngoài 60, nói. Ông ví von bản thân có "căn" làm công nhân nên dù lên sếp tay chân vẫn phải dính dầu máy mới chịu được.
Ông Trí là con trai cả trong gia đình 10 anh em. Ngày đất nước thống nhất, ông vừa học xong trung cấp nghề. Để có tiền phụ cha mẹ nuôi em, ông xin vào làm công nhân ở Công ty máy Nông nghiệp Miền Nam ở Biên Hòa (Đồng Nai), cách nhà gần 40 km. Trong khi nhiều người ái ngại quãng đường quá xa, ông lại kiên trì theo đuổi. Để không nhàm chán, suốt ba giờ ngồi trên xe buýt đi làm, ông đọc sách liên quan đến cơ khí để thêm kiến thức.
Nhờ chăm chỉ, ham học hỏi, sau mấy năm làm công nhân ông Trí bắt đầu lên quản lý với vị trí cao nhất là quản đốc xưởng. Năm 1994, công ty giảm biên chế, ông mất việc ở tuổi 35 sau 18 năm gắn bó. Biết nhiều nghề liên quan cơ khí, song ông quyết định khởi nghiệp với ngành khuôn mẫu bởi suy nghĩ bất kỳ vật dụng nào cũng cần khuôn. Khuôn tốt, sản phẩm sẽ đẹp, chất lượng.
Thời điểm đó, khuôn mẫu do người Hoa thống lĩnh. Để không bị "đè chết", ông chọn một nhánh riêng, không tập trung vào đồ gia dụng mà làm khuôn đồng hồ, quạt máy. Để có sản phẩm tốt nhất, ông vay mượn 120.000 USD của người thân mua một máy phay CNC, là một trong những máy hiện đại được nhập về Việt Nam cách đây 25 năm.
Năm 2002, cơ sở sản xuất của ông Trí chính thức lên công ty. Tuy nhiên, bước ngoặt trong hành trình phát triển của Lập Phúc phải kể đến thời điểm năm 2005. Doanh nghiệp được vay 6 tỷ đồng từ vốn kích cầu của thành phố để mua máy móc từ Thụy Sỹ. Công nghệ đổi mới, khách hàng của công ty cũng cao cấp hơn, thoát khỏi những khuôn mẫu cấp thấp.
Từ khách hàng lớn đầu tiên là Colgate, Lập Phúc mở rộng sang các doanh nghiệp FDI trong nước có vốn từ châu Âu, Mỹ. Cách đây 8 năm, với vốn vay kích cầu 40 tỷ đồng, ông đầu tư thêm nhiều máy móc, xây nhà xưởng đạt chuẩn để nhảy vào nghành khuôn mẫu xe hơi, xuất sang Mỹ. Sau gần 30 năm, xưởng cơ khí nhỏ giờ đây trở thành công ty đạt doanh thu xuất khẩu 4 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, con đường đưa sản phẩm ra quốc tế của ông Trí không hề bằng phẳng. Lập Phúc bị cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn là anh cả trong ngành. "Khi mình mới bắt đầu, các nhà máy của Trung Quốc đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc nên để chen chân vào được là cực khó", ông Trí nói.
Bởi theo ông, khi hai sản phẩm chất lượng, giá thành như nhau, khách hàng sẽ chọn nhà cung cấp Trung Quốc vì ưu tiên nơi có kinh nghiệm. Để cạnh tranh, ông Trí xác định giá phải rẻ hơn và chất lượng phải tốt hơn, theo chuẩn của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tận dụng lợi thế từng là thợ cơ khí lành nghề, ông mua máy móc cũ của Nhật sau đó sửa chữa, cải tiến để chạy những công đoạn đầu của sản phẩm. Tới khâu hoàn thiện, sản phẩm được thực hiện hoàn toàn trên các máy móc mới để đạt được khuôn mẫu chính xác, đẹp nhất. Khi chi phí cho máy móc giảm, giá thành sẽ giảm theo.
Mấy năm gần đây, khi Mỹ áp thuế cao với các hàng hóa từ Trung Quốc, Lập Phúc lại được hưởng lợi khi thuế chỉ bằng 1/4 so với các khuôn mẫu của nhà máy Trung Quốc. Nhờ thế, đơn hàng của công ty luôn dồi dào, ngay cả khi cả thế giới bước vào đợt suy thoái chung.
Không chỉ vượt qua cuộc cạnh tranh khốc liệt đơn hàng, ông Trí còn phải tìm mọi cách giữ chân lao động. Hiện Lập Phúc có 180 lao động, thu nhập 10-40 triệu đồng mỗi tháng, tùy vị trí công nhân mới hay thợ có tay nghề, kỹ sư. Để giữ được người trước hết doanh nghiệp phải đảm bảo thu nhập cho lao động.
"Mình tốt cỡ nào nhưng lương không đủ sống, họ sẽ rời đi", ông Trí nói. Tiếp đến phải xây dựng nhà xưởng đàng hoàng, nâng vị thế công ty để nhân viên tin tưởng vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Theo ông Trí, nhiều người trong ngành này luôn muốn giấu nghề hoặc phân chia công đoạn rõ ràng, người lao động không thể nào biết được cách nhà máy vận hành để ra một sản phẩm. Tuy nhiên, ở Lập Phúc, nếu một công nhân muốn học nghề, biết được tất cả công đoạn, cách tính giá thành sản phẩm... đều sẽ hỗ trợ, hướng dẫn. Nhiều người được nâng cao tay nghề, có kinh nghiệm đã tách ra làm riêng hoặc tìm được cơ hội mới ở những nơi khác.
"Tôi không lấy thế làm buồn, trái lại còn mừng vì cộng đồng làm nghề khuôn mẫu ở nước ta sẽ lớn mạnh hơn", ông Trí nói. Với ông, đối thủ cạnh tranh lúc này là các ông chủ Trung Quốc, Nhật, Hàn chứ không phải những lao động Việt Nam ham học hỏi. Nhiều năm qua, Lập Phúc trở thành một xưởng thực hành cho nhiều trường cao đẳng, đại học có chuyên ngành cơ khí.
Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM Đỗ Phước Tống nói từ một công nhân, ông Trí đã vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp giỏi, nhà máy có nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao. Lập Phúc là một trong số ít doanh nghiệp Việt đầu tư mạnh mẽ công nghệ, máy móc để bước vào sân chơi lớn ở các nước G7, đặc biệt là ngành khuôn mẫu ôtô.